Chủ Nhật, 23 tháng 12, 2012

Mạng xã hội và Khủng hoảng truyền thông

Khi sóng ngầm trở thành sóng thần

Digg và Dãy số bí mật

Trong quyển sách "Làn sóng ngầm", Charlene Li và Josh Bernoff kể lại câu chuyện về Digg mà có lẽ không phải ai cũng biết dưới đây: 

Vào 2007, trước khi được bán với giá 500 nghìn USD, Digg.com là một trang web giúp bình chọn và bình luận về tin tức. Trang chủ của Digg luôn đăng những mẩu tin hay nhất do chính độc giả bầu chọn. Bạn có thể liên tưởng tới cách vận hành của LinkHay tại Việt Nam.

Ngày 30/4, khi một blogger tên là Rudd-O viết điều này trên blog anh ta:
Hãy lan truyền con số này
09 F9 11 02.. bạn có muốn biết tại sao nó quan trọng đến thế không?
Cả ngành công nghiệp điện ảnh đe dọa Spooky Action at a Distance vì công bố con số này, với cáo buộc vi phạm bản quyền.
Tôi không biết là một con số cũng có bản quyền.
Nhưng con số này là gì? Đây là mã số xử lý đĩa HD-DVD của hầu hết các bộ phim được phát hành trong thời gian gần đây
Điều này có nghĩa là gì? Mã bảo mật HD-DVD đã bị bẻ gãy. Chỉ cần một vài kỹ năng phù hợp, một người bình thường có thể tạo ra hàng loạt bản sao DVD độ nét cao - thứ mà đáng ra không thể sao chép được. Chỉ trong một ngày, 50.000 thành viên của Digg đã bầu chọn cho tin này làm cho đường link dẫn tới blog nằm ngay trên trang chủ của Digg.

AACS LA, một tổ chức do các công ty như Disney, Warner Bros., Sony, Microsoft và Panasonic đứng đằng sau, đã tạo nên mã bảo mật vừa bị phá vỡ quyết định phản ứng lại. Các luật sư của họ đã gửi email cảnh báo cho Digg và yêu cầu chấm dứt việc này.  Trước đây, Web Trẻ Thơ bị kiện vụ hoa hậu nái sề vào năm 2009 là một sự việc tương tự.

Thay vì liều lĩnh đương đầu với việc kiện tụng, Digg đã xóa đường dẫn này.  Các blogger đã tìm lại con số này và đăng lại trên blog của họ. Chỉ trong vòng một ngày, sáng ngày 1/5 có 88 blog thì đến cuối ngày đã tăng lên 3.172. Một thành viên của Digg tên là Grant Robertson ví von :"Anh chẳng thể lấy cái gì từ Internet xuống đâu. Nó giống như khi ai đó tè bậy trong hồ bơi vậy, anh chẳng thể nào vớt nó ra được nữa"

Những mẩu tin và blog được đăng tiếp trên Digg và tăng hạng. Theo nguyên tắc, Digg đã loại bỏ các mẩu tin này nhưng chúng luôn phát tán nhanh hơn tốc độ mà bạn có thể tiêu diệt chúng. Ngày hôm sau thì Digg đầu hàng. Đứng giữa vụ kiện và độc giả, Digg đã cúi mình trước thế lực mạnh hơn: độc giả. Kevin Rose, CEO của Digg lúc đó viết trên blog công ty về việc này
Hôm nay là một ngày hết sức khó khăn đối với chúng tôi. Chúng tôi quyết định xem có nên gỡ bỏ các mẩu tin chứa đựng mã số theo yêu cầu hay không. Chúng tôi phải đưa ra quyết định và với mong muốn tránh Digg khỏi nguy cơ bị đóng cửa, chúng tôi đã quyết định nghe lời và gỡ bỏ các bản tin chứa các mã số này.
Nhưng ngay lúc này đây, sau khi chứng kiến hàng trăm mảu tin và đọc hàng nghìn lời bình, các bạn đã làm mọi thứ hết sức rõ ràng. Các bạn muốn thấy Digg bước xuống đường chiến đấu, chứ không muốn thấy Digg cúi đầu trước một công ty lớn. Chúng tôi lắng nghe các bạn nói, và ngay từ lúc này trở đi, chúng tôi sẽ không xóa bỏ bất kỳ mẩu tin hay lời bình nào có chứa mã số này và sẵn sàng đối mặt với bất kỳ hậu quả nào.
Nếu chúng ta thua thì thật đáng buồn, song ít nhất chúng ta đã cố gắng hết mình.
Hãy xới tung lên đi! 
Bằng cách yêu cầu xóa bỏ mẩu tin, những người đại diện cho ngành công nghiệp điện ảnh đã tạo nên một cơn lốc dư luận và làm cho nó mãi mãi không thể bị xóa bỏ. Nếu bạn đang nắm giữ một nhãn hiệu, bạn có thể đang gặp nguy. Trong đầu khách hàng luôn tồn tại một suy nghĩ nào đó về nhãn hiệu của bạn - một suy nghĩ có thể khác hẳn với hình ảnh mà bạn muốn họ nghĩ về bạn. Giờ đây, họ kể với nhau về suy nghĩ đó, họ định nghĩa lại nhãn hiệu bạn đã tốn hàng triệu đô la hoặc vài trăm triệu đô la để tạo nên.

Trong trường hợp suy nghĩ của khách hàng về một thương hiệu nổi tiếng là một hình ảnh xấu thì khủng hoảng chưa dừng lại ở đó, nó "giúp" thương hiệu chết nhanh hơn bao giờ hết. Vedan có lẽ là một ví dụ đắt giá trong trường hợp này.

Khủng hoảng tại Vedan
Công ty Vedan Việt Nam xây dựng nhà máy vào năm 1991 tại xã Phước Thái, huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai, nằm ở phía Đông Nam thành phố Hồ Chí Minh, tổng diện tích 120 hecta.

Vedan Việt Nam sử dụng phần lớn lượng nông sản sắn, mía do nông dân địa phương trồng cùng với mật rỉ được chiết xuất từ các loại đường có nguồn gốc từ thiên nhiên để sản xuất ra bột ngọt chất lượng cao. Trước thời gian xảy ra khủng hoảng vào  2008, công ty Vedan Việt Nam là nhà sản xuất bột ngọt (Sodium Gluatamate) lớn nhất Đông Nam Á, sản phẩm của công ty không chỉ ở thị trường Việt Nam, mà còn bán sang các nước trên thế giới.

Nước sông Thị Vải bị ô nhiễm nghiêm trọng - Ảnh: Báo Nông Nghiệp
Khi phát hiện Vedan xả một lượng nước thải rất lớn ra sông Thị Vải với khổi lượng 5.000 m3/ngày một cách có hệ thống đã gây nên một làn sóng phẫn nộ từ cả truyền thông đến những người dân xung quanh.

Một việc ít ai biết được kể lại là : "Vụ Vedan bức tử sông Thị Vải được báo chí lên án mạnh mẽ và dư luận cả nước "sôi sục căm thù". Phản ứng rất nhanh, Vedan đã mời một số công ty truyền thông lớn để tư vấn cho họ giải quyết khủng hoảng truyền thông."

Đầu tiên, phải thống nhất với nhau rằng việc làm của Vedan là sai trái, thế nên việc xử lý trong khủng hoảng không quan trọng bằng việc giải quyết hậu khủng hoảng, nhằm "dọn dẹp chiến trường" và thể hiện nỗ lực lấy lại một hình ảnh đẹp. Vậy Vedan (và các công ty tư vấn) của họ đã làm thế nào?

Trong bài viết "mỗi báo có một con sông Thị Vải?, Tuần Việt Nam đã cho chúng ta biết đôi điều:
  1. Báo Sài Gòn tiếp thị có một phóng sự ảnh với cái tựa khá độc đáo "Và con sông đã vui trở lại". Cái tựa chỉ sửa một chữ trong tên gọi (và cả lời ca) một bài hát nổi tiếng! Nội dung giới thiệu trong phóng sự này cho biết: “Phóng viên Sài Gòn Tiếp Thị đã theo chân ngư dân sông Thị Vải một đêm đánh bắt cá từ 5 giờ chiều đến 8 giờ sáng hôm sau. Mỗi đêm có khoảng trên 10 thuyền, và thu nhập cũng được vài trăm ngàn mỗi người. Những người dân ở đây cho biết nhiều người bỏ đi làm nghề nơi khác bắt đầu lục tục quay về".
  2. Cùng thời điểm đó, một bài viết tương tự trên báo Thanh niên cũng ra đời với tên gọi “Sông Thị Vải hồi sinh”. Bài viết này cũng đăng kèm những tấm hình ngư dân vui mừng tương tự phóng sự ảnh của báo Sài Gòn tiếp thị. Và có những tít phụ như: “Ngư dân Phước Thái đã cười...”, “Cơ quan chức năng cũng bất ngờ”. Trong bài, Thanh niên cũng khéo léo chú thích một trong hai bức ảnh: "Đánh bắt thủy sản ngay phía sau Công ty Vedan". 
  3. Sau đó vài tuần, bạn đọc cả nước ngạc nhiên khi đón nhận loạt bài 2 kỳ của báo Tuổi trẻ: Trở lại sông Thị Vải: "Cua, cá lèo tèo - thả tôm, tôm chết!""Sông Thị Vải vẫn hứng chịu nước thải ô nhiễm". Nội dung loạt bài và ảnh của Tuổi trẻ đối lập chan chát với những nội dung các bài báo của Sài Gòn tiếp thị và Thanh niên. Ý kiến của nông dân, ý kiến nhà khoa học… cũng khác hẳn!
Sông Thị Vải đã hồi sinh hay vẫn ô nhiễm? Tin nụ cười của ngư dân trên báo Thanh niên và Sài Gòn tiếp thị hay là gương mặt cay đắng của anh đánh cá ở báo Tuổi trẻ?

Vì đâu xảy ra sự tréo ngoe này giữa 3 tờ báo được coi là lớn và uy tín hàng đầu Vietnam như vậy? Câu chuyện+Long Velo  kể lại chính là mảnh ghép đầy đủ cho bức tranh :
Thông tin từ một nhà báo địa phương (H.B) cho Long VELO biết thời điểm ấy các PR Agency của Vedan hay tổ chức các cuộc "tiếp khách" tại Đồng Nai. Và loạt phóng sự bằng hình đăng trên tờ BB, AAAA có được sau một lần mà nhiều nhà báo được mời đi "thực tế". 
Nhà báo H.B cũng nhấn mạnh rằng việc Vedan mời các phóng viên báo bạn đi như vậy là hoàn toàn bình thường, và cách thức mà các PR Agency "sâu hàng" cũng tác động mạnh vào góc nhìn của nhà báo. Ví dụ như họ canh đúng thời điểm sau một trận mưa lớn để mời nhà báo đi thị sát. Khéo léo cho tàu cập vô thuyền nan của những ngư dân có mối quan hệ mật thiết với công ty để phóng viên tha hồ chụp hình những khoảnh khắc "vui sướng và hạnh phúc". Thậm chí, một quan chức của Vedan còn được mô tả lại là đã dùng tay hứng nước từ vòi sả thải của Vedan để đưa lên miệng uống. Hành động đó đã "đốn ngã" sự hoài nghi cần có của người làm báo.Đáng buồn là trong thực tế, đó chỉ là một vòi xả thải "đối phó".
Chuyến "vi hành" này phóng viên CC cũng được mời đi nhưng vì trong "thời điểm nhạy cảm" nên họ đã từ chối tham gia. CC thuê tàu riêng để đi xem xét tình hình. Và loạt bài 2 kỳ của CC được phản ánh không qua lăng kính của Vedan.
Một kinh nghiệm mà chúng ta cũng cần rút ra trong khi xử lý khủng hoảng là sự "đồng thuận" về tư tưởng ở những tờ báo có góc nhìn "đối nghịch". Vì thực trạng báo này nâng lên, báo kia đạp xuống vẫn diễn ra như cơm bữa và là một bài toán nhức đầu khó giải với những người làm truyền thông chuyên nghiệp
Không dừng lại ở đó, sự việc bị đưa ra pháp luật và Vedan đã chọn cách im lặng để giải quyết khủng hoảng: không thừa nhận, không một lời xin lỗi, không phản bác mà cũng không nhận trách nhiệm… chính sự dửng dưng của Vedan đã đẩy sự căm phẫn lên đến cao trào.

Chỉ khi bị yêu cầu bồi thường thì Vedan mới xuất hiện nhưng với một động thái giải quyết vấn đề rất chậm chạp. Trong suốt 1 năm, báo chí liên tục cập nhật dày đặc những tin như “Vedan mặc cả tiền bồi thường”, “Vedan lại cù cưa mặc cả”, “Nông dân đòi 53 tỷ đồng, Vedan 'mặc cả' 2,4 tỷ đồng”, “Vedan xin trả góp tiền bồi thường”…

Một làn sóng tẩy chay đã nổi lên, mở đầu với những lời kêu gọi trên mạng Internet. Tại Hà Nội, hầu hết các siêu thị lớn như Intimex, Fivimart, Big C không còn bán bột ngọt Vedan. Các siêu thị tại TP.HCM, như Big C, Saigon Co.op, Maxi Mart... cũng ngừng phân phối sản phẩm này.

"Phong trào" tẩy chay Vedan không chỉ rộ lên ở các siêu thị mà tại các chợ, các cửa hàng tạp hóa ở TPHCM, sản phẩm của công ty này cũng bị các tiểu thương ngưng bán hoặc đang tiếp tục "đình chỉ", còn người tiêu dùng thì "quay lưng".

Khi người dùng quay lưng, hình ảnh thương hiệu (brand image) xấu xí cũng có nghĩa là thương hiệu đã chết. Có lẽ chưa bao giờ người ta ý thức một cách rõ ràng quyền lực to lớn của người dùng Việt như lúc này. Không phải cơ quan nhà nước, không phải các danh hiệu được bầu chọn mà đôi khi mức độ tin cậy còn khiến nhiều người phải hoài nghi mà chính người tiêu dùng mới là người quyết định sự thành hay bại của một doanh nghiệp.

Dù Vedan rất nỗ lực khôi phục lòng tin, nhưng kết quả thế nào vẫn còn ở phía trước, chưa kể đã có nhiều thay đổi về thói quen của người người dùng sản phẩm. Bạn có thể tự mình kiểm chứng: Gia đình bạn có mua sản phẩm của Vedan hay sẽ tẩy chay vĩnh viễn? Bếp nhà bạn có bột ngọt hay đã thay thế bằng bột nêm Knorr, Maggi ?

Coca-Cola và nghi án "chuyển giá"



Theo thống kê của Cục thuế TPHCM, chỉ trong vòng 4 năm (từ 2007-2010), tổng doanh thu của hãng Coca Cola tại Việt Nam đã tăng từ 1.000 tỷ lên hơn 2.500 tỷ đồng, gấp 2,5 lần, còn doanh số bán hàng thì tăng gần gấp 3 lần.

Ông Nguyễn Trọng Hạnh, nguyên Phó Cục trưởng Cục thuế TPHCM cho rằng, nguyên nhân có thể được Coca Cola đưa ra là giá nguyên phụ liệu quá cao. “Nguyên liệu chính để tạo ra sản phẩm nước giải khát Coca Cola là hương liệu. Chúng tôi thấy giá hương liệu này chiếm tới 70% trên giá trị sản phẩm, trong đó hầu hết các doanh nghiệp khác trong lĩnh vực đồ uống thì tỷ lệ này chỉ chiếm khoảng 30%. Và giá thành này lại được công ty mẹ áp đặt. Do đó, chúng ta có thể đặt câu hỏi mức giá này có đắt hay không?”.  
      


Nguyên phụ liệu được mua độc quyền từ chính công ty mẹ ở nước ngoài, chuyện giá thành cao-thấp như vậy nằm trong bí mật nội bộ của Coca Cola. Các chuyên gia lĩnh vực thuế cho rằng, việc đẩy giá nguyên phụ liệu lên cao khiến công ty con có thể lỗ, nhưng tập đoàn mẹ thì sẽ lãi. Vậy là công ty con sẽ tránh được thuế thu nhập doanh nghiệp.

Thực tế, Coca Cola gần như chưa phải đóng thuế thu nhập doanh nghiệp tại Việt Nam. Một phân tích chuyên gia được đăng tại Stox "đi sâu làm rõ một điểm quan trọng rằng cơ quan thuế sẽ không thể giải quyết triệt để một sớm một chiều. Cũng như ở các thị trường khác, những “thượng đế” và công luận, đặc biệt là giới báo chí chuyên ngành kinh tế tài chính mới là người có thể tạo nên một áp lực đủ lớn để Coca Cola cũng như các tập đoàn khác đang hoạt động tại Việt Nam thay đổi quan điểm về nghĩa vụ thuế của họ. Hơn thế nữa, đây còn là trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp chứ không chỉ đơn thuần là nghĩa vụ thuế."

Điều này có thể hiểu là về mặt pháp luật, Coca-Cola sẽ không gặp vấn đề gì nhưng với công luận, người dùng thì không đơn giản thế. Cùng một danh sách gần 1.500 doanh nghiệp có dấu hiệu chuyển giá ngoài Coca-Cola còn có Metro Cash & Carry, Pepsi, Adidas nhưng dường như Coca-Cola là một thương hiệu "nhạy sáng" hơn bao giờ hết, không chỉ trên báo chí, blog mà ngay cả trên mạng xã hội.

Tin tức liên quan tới Coca Cola Việt Nam
Khi người tiêu dùng lên tiếng!
Chủ đề COCA COLA VN CÓ DẤU HIỆU “CHUYỂN GIÁ”. CÓ NÊN TẨY CHAY? tại Anphabe

Một số ý kiến tại Anphabe
Tin tức lúc này có vẻ xấu hơn bao giờ hết khi mọi chuyện lại được làm nóng trước thềm Tết Nguyên Đán, thời điểm bán hàng tốt nhất trong nhất trong năm với ngành đồ uống (F&B).

Khi đã ghi dấu một hình ảnh lợn cợn ngay khi sát thời điểm quyết định mua hàng là một điều không may? Bạn sẽ làm gì nếu ở vai trò cầm quân Coca Cola ở thời điểm này, ngay trước cơ hội bán hàng khủng nhất trong năm?

Khi có khủng hoảng, nhất là khi doanh nghiệp của bạn đứng trước nguy cơ bị tẩy chay, bạn sẽ làm gì?

Thứ Sáu, 7 tháng 12, 2012

Vì sao Ninh chưa tuyển được SEO Specialist ?

Sau bài viết khá dài của Ninh về chuyện "chưa tuyển được SEO Specialist" trên diễn đàn cũng như FB đã có khá nhiều nhận xét.

Bản thân tôi cho rằng, cái quan trọng là bạn ấy chưa tìm được người giỏi như mong muốn, đủ năng lực như bạn ấy mong đợi. Nhưng như thế nào là giỏi, như thế nào là đủ năng lực mà một SEO Specialist cần?

Slide dưới đây tôi đề cập tới một khía cạnh khác: làm SEO tại Agency,  có thể là một gợi ý cho trường hợp này:



Đây là bài viết gốc của Ninh:

Quyết định viết bài này vì tuyển SEO Specialist hơn 2 tháng rồi mà vẫn chưa tuyển được, có lúc đã tự hỏi hay do mình khó tính? Đã phỏng vấn hơn chục bạn rồi, có bạn thì đang làm SEO executive, có bạn thì đang làm SEO specialist tại những công ty rất có tiếng tăm trong thị trường e-commerce hiện nay, cũng có bạn mới chập chững làm SEO (theo đánh giá cá nhân của mình), có cả bạn làm SEO ở nước ngoài mới về Việt Nam.
Trước tiên phải nói về người như thế nào mình sẽ sẵn sàng tuyển:
* Giỏi > chắc chắn rồi.
* Chưa giỏi nhưng có đam mê, yêu thích và dám theo đuổi nó.
Vấn đề mình hay gặp nhất là: các bạn thường (không phải tất cả các bạn)  Overestimate bản thân.
Một số vấn đề thường gặp:
- Các bạn thường có suy nghĩ như sau: mình có khả năng làm lên top 10 một vài từ khóa khó (hoặc hai ba - năm chục từ khóa) , vậy mình xứng đáng là SEO Specialist.  Đúng là một phần mục đích của SEO là ranking tốt hơn nhưng đó là điều kiện cần, chưa hẳn là đủ.
- Các bạn mà mình phỏng vấn thường quá chậm trễ (hoặc không) trong việc cập nhật tin tức SEO hàng ngày, những thuật toán mới, những thay đổi mới của Search Engine, hầu hết các bạn chẳng biết SEOMOZ là gì, có biết thì cũng không theo dõi. (lấy ví dụ vậy cho dễ hiểu, mình cũng hỏi rất nhiều trang về seo khác mà cũng không biết luôn). Việc này làm mình thấy lo lắng khi giao cho bạn ấy một trang web.
Không thể hiện được đam mê/không dám dấn thân vì đam mê: các bạn nên biết rằng ở miền nam Việt Nam hiện nay (30-11-2012) chẳng cótrường (in đậm không trẻ trâu lại nhầm là thầy) nào dạy SEO ra hồn cả (gạch đá mình nhận hết - không sống ở miền bắc nên không bàn tới miền bắc - edit 2.12), nếu chẳng có đam mê thì các bạn sẽ mãi chẳng vươn lên nổi vì bản thân không tự vận động thì không thể tự học để trở thành seo specialist được  - 99% seo specialist mình quen biết hiện nay đều do tự học mà thành công.  Có bạn mình phỏng vấn không trả lời được câu hỏi nào của mình cả nhưng sẵn lòng yêu cầu mức lương rất cao (gần gấp đôi mức lương tại công ty cũ của bạn ấy). Mình thực sự thấy bạn ấy cũng đam mê, nhưng rõ ràng bạn ấy mê tiền hơn rất nhiều, kiến thức về SEO thì cũng chỉ được như một bạn SEO executive trong công ty mình, bạn ấy thể hiện rằng muốn học nhiều hơn về SEO nhưng bạn ấy lại muốn được người khác trả lương cao để đi học - đời không như mơ.
Chưa đủ kiến thức nền chuẩn: thường thì các bạn trả lời rằng sitemap thì url là quan trọng nhất (huề vốn rồi vì không có url thì đâu gọi là sitemap). Cũng chẳng bạn nào liệt kê được quá 3 yếu tố trong sitemap, có bạn còn nói sitemap generate mệt quá, kệ nó rồi từ từ google cũng index thôi. (đọc đến đây chắc có người đang search về sitemap ).
Không có kinh nghiệm làm việc trên những hệ thống website lớn, điều này thì không thể trách các bạn được nhưng nếu có cơ hội thì hãy tham gia ngay khi có thể, làm việc với các website lớn sẽ giúp các bạn có nhiều cơ hội tiếp xúc với các giới hạn của SEO, giới hạn của web và giới hạn của system…sẽ giúp các bạn thấy rõ hơn SEO không đơn giản là ranking cho một vài từ khóa.
Không chủ động trong công việc: cái này mình cũng từng mắc phải và nhận ra nó là yếu tốt rất quan trọng vì là một specialist chắc bạn không muốn và có lẽ cũng không cần ai khác cầm tay chỉ làm cái này cái kia, vậy thì phải chủ động, tự nghĩ ra việc, tự điều phối công việc của bản thân. 
Khả năng ngoại ngữ quá kém: thực sự là ngoại ngữ (tiếng anh) của mình cũng kém nhưng không đến nỗi không biết viết vài từ liên quan đến seo hay ít nhất mình cũng đọc hiểu được một vài trang blog, một vài quyển sách…có rất nhiều bạn làm seo 2-3 năm rồi nhưng vẫn không có khả năng này: mọi thứ đều tự học (?) và đọc ở các trang tiếng việt. Khi làm một SEO Specialist các bạn sẽ phải trả lời rất nhiều câu hỏi khó và bất ngờ của sếp vì vậy chuẩn bị một lượng ngoại ngữ đủ để tìm kiếm và tìm được cái mình cần là rất cần thiết.
Sợ thay đổi: có nhiều bạn mình thuyết phục rất nhiều nhưng thậm chí còn không dám tham gia một buổi phỏng vấn ? Mình thấy chẳng mất gì cả ngoài tối đa 2 tiếng đồng hồ, chắc chắn 2 tiếng đó cũng không lãng phí vì ít nhất bạn sẽ biết được bạn yếu hay mạnh gì, và còn là cơ hội kiểm chứng những điều bạn làm là đúng hay sai, tham gia phỏng vấn chỉ có lợi hơn cho bạn mà thôi, nếu bạn không được tuyển thì cũng chỉ là “chúng ta chưa phù hợp” chứ mình cũng chẳng bao giờ nghĩ rằng bạn quá dở hay nhìn bạn một cách khác cả - mình cũng đã từng trải qua giai đoạn như bạn lúc trả lời không được hay trả lời rất tốt một câu hỏi về SEO.
Bài viết được viết ra theo đúng suy nghĩ và nhận thức trong sáng [ :)) ]của bản thân không nhằm mục đích đả kích cá nhân riêng biệt. Mình cũng không cố tỏ ra khó tính, mình rất thoải mái nhưng không dễ dãi :D (ai đã tham gia phỏng vấn thì hiểu rất rõ về giờ giấc, ăn mặc, nói chuyện…) , Riêng các bạn có đam mê, yêu thích mà mình đã phỏng vấn mình vẫn luôn mong các bạn về làm việc với mình còn những bạn không có đam mê thì mình thực sự không dám.

Thứ Tư, 21 tháng 11, 2012

Có nên nói tốt cho Đối thủ?

Nếu bạn vẫn theo dõi blog này, bạn sẽ thấy mình đăng các bài viết ngày càng xuất hiện nhiều hơn vai trò của khách mời, những người đã và đang đóng góp vào cuộc sống diễn ra xung quanh bạn những giá trị nhất định.

Một câu hỏi được đặt ra nếu mình làm Agency có nên khen một Agency cùng ngành? Nếu cùng làm dịch vụ SEO có nên khen một SEO giỏi, có tài khác khi mà họ cũng là người cạnh tranh với cùng phân khúc khách hàng? Nếu cùng làm ngành việc làm có nên trò chuyện với lãnh đạo công ty cùng ngành?

Thông thường, lời khen thì ít hơn chê, mà trong một ngành khen nhau lại càng ít. Vì sao thế?


1. Khi thương trường là chiến trường
Nhan Thế Luân, CEO Nhạc Của Tui có viết một Facebook note "tại sao Việt Nam chúng ta lại không có sản phẩm số 1?" kể chuyện cùng ngành rất đáng suy nghĩ:
 " Câu chuyện này đúng là 1 câu chuyện dài nhiều tập và các công ty dìm hàng nhau hơn là cùng nhau chống lại thằng mạnh hơn từ nước ngoài tới. Như cái kiểu Zing me tụt hạng 2 thì nhiều cty mừng hơn là Zing me số 1 vậy. Ở NCT, tui không cấm nhân viên sử dụng website hay sản phẩm nào hết. Mọi người có thể nghe nhạc bằng nhacso, zing, nhacvui; xài fb zing me; mua hàng trên 5giây, tiki, nhommua…v…v… mà không bị dòm ngó soi mói. Có lần 1 người trong cty hỏi sao mình ko chặn hết các website kia đi để ủng hộ sản phẩm nhà thì tui chỉ nói rằng “chúng ta có ép 100 người ở đây sử dụng cũng chỉ là 100 người, nếu 100 người mà mà còn chán ko xài sản phẩm mình mà phải ép thì làm cửa gì có 1 triệu người ngoài kia” 

Tuy nhiên không phải công ty nào cũng vậy hoặc không phải cá nhân nhân viên ủng hộ câu chuyện cạnh tranh công bằng với nhau hơn là dìm nhau cũng chết. Chuyện dìm hàng nhau/chơi xấu nhau còn lộ nhiều khi càng kỳ hơn khiến cho 2 lãnh đạo ko nói chuyện với nhau luôn. Đã có lần mọi người search “nhom mua” nó ra quảng cáo của 1 website cùng ngành cùng dịch vụ và kêu gọi vào site đó… Có công ty lên danh sách các cty cạnh tranh để không mua quảng cáo, không hợp tác, không làm việc chung và thậm chí là từ khóa chặn không cho user comment… 
Các công cty còn dìm hàng nhau bằng nhiều hình thức như đăng bài bỏ ra các từ ngữ, câu cú liên quan đến công ty khác dẫn đến việc website V lượt bỏ hết các bài viết về website Z và website Z cũng làm ngược lại. Cuối cùng là các sản phẩm nước ngoài được cả 2 website PR ầm ầm. Nghĩ đi nghĩ lại mà hài  Còn nhiều câu chuyện ly kỳ giữa các công ty, nhưng đó là kinh doanh thương trường là chiến trường cũng không nói được gì nhưng nghĩ cứ thế thì chẳng có sản phẩm nào của Việt nam đứng 1 ở  Việt Nam cả. Nghĩ cũng buồn, mà thôi thì cũng kệ…"

2. Khi đối thủ gặp khủng hoảng
Chuyện Nhóm Mua là một ví dụ có lẽ dễ thấy nhất, bạn Bình Nguyễn, CMO tại Dynabyte.vn, đã nhận xét:
 "Nhân sự vụ của Nhommua, một loạt các công ty Internet và e-commerce khác hả hê spread news, ra sức đàm tiếu, lập cả site tin tức công nghệ lá cải để đăng tin sai sự thật. 
[...]. Thị trường e-commerce ở VN bé tí, tương lai gần vẫn bé. Các bạn mong đợi sẽ lấy được bao nhiêu % cái market share của Nhommua? Đùa chứ nếu Nhommua chết cũng ko đến lượt các bạn. Khách hàng nó chán và mất niềm tin rồi còn đâu. 
Các cty e-commerce không sống bám vào nhau để cùng tồn tại thì thôi, ít nhất cũng đừng góp phần phá cái thị trường vốn đã low-trust như này. Một thằng nó ngã, nếu không cố gắng nâng nó dậy để nó phát triển market size cùng mình thì thôi, lại còn vùi dập. Loser tiếp theo, chính là các bạn đấy :)"

Đến phút cuối vẫn là "nếu như" - một giả định
Trường hợp này, các trang tin nên làm gì? Một nhân sự giấu tên am hiểu về thị trường mà Nhóm Mua nhắm đến đã nhận xét:
 "Trong trường hợp của NhomMua các trang tin ko nên đăng bài khi họ ko nắm rõ sự việc, thí dụ một trang đã đăng hàng loạt và đăng liên tục bài về NhomMua là Vcamp nhưng cho đến tận bài cuối cùng về NhomMua họ đăng, họ vẫn phải thừa nhận là họ ko biết dc nhà đầu tư chiếm bn % cổ phần của NhomMua chứng tỏ họ ko hề có connect với bên nhà đầu tư hay một nhân sự chủ chốt nào của NhomMua. Nguồn tin họ có cũng chỉ từ các nhân viên cấp thấp, xào lại và dùng nguôn tin của các trang cấp thấp nên vụ NhomMua mới thành lùm xùm như vậy.
Cho đến tận bây giờ, các trang tin vẫn chưa tiếp cận với 2 thông tin lõi rất cơ bản bao gồm: 
  1. Lượng cổ phần của nhà đầu tư có chiếm quá bán ko ? vì nếu chiếm quá bán thì ko thể bảo nhà đầu tư "đảo chính"
  1. Điều lệ công ty NhomMua, tập đoàn MJ đối với việc phế truất thế nào
Chính việc các trang tin ko biết cách tiếp cận có hệ thống/ pháp lý mà chỉ đăng tin lùm xùm nên mới càng lam thị trường hoang mang". Nếu là đối thủ cũng "Không nên tranh thủ cơ hội trù dập đối thủ. Vì trong các thị trường low trust như Ecommerce đối thủ chết thì cũng kéo mình đi theo. Trong những thị trường như Ecommerce mình còn nên nhảy vào định hướng truyền thông để bảo vệ trust của người tiêu dùng với thị trường". 

Những tin đồn kiểu như FPT kêu gọi nhân viên FPT “dìm hàng” Thegioididong trên mạng? cũng khó để nói là có thật hay không nhưng chắc sẽ khiến bạn suy nghĩ!

3. Cạnh tranh hay Thù địch?
Trong bài viết "Cạnh Tranh hay Thù Địch", diễn giả Quách Tuấn Khanh có kể một đoạn thoại giữa 2 nhân vật trong phim TROY khi Priam – vua thành Troy đến gặp Achilles xin lại xác con trai mình là hoàng tử Hector

Hoàng tử Paris
Hoàng tử Hector
Người anh hùng Achilles không hào hứng lắm với cuộc chiến, nhưng khi người em họ yêu quý Patroclus bị mất mạng dưới tay vị hoàng tử thành Troy là Hector vì lầm tưởng đó là Achilles thì cơn giận của anh đã lên đến cực điểm, và anh không mong muốn gì hơn là một cuộc chiến một mất một còn với Hector. Và Hector đã thua trong trận chiến này, xác của anh đã bị kéo lê về doanh trại của quân Hy Lạp.
Quá thương con, vị vua già tội nghiệp Priam lén đột nhập vào trại lính Hy Lạp cầu xin Achilles trả lại thi hài con trai để tiến hành thủ tục hậu sự.

Achilles: Ông là ai?
Vua Priam: Ta đã chịu đựng điều mà chưa ai trên đời phải chịu đựng. Ta đã hôn đôi tay kẻ đã giết con trai ta.
Achilles: Priam?Vua Priam: (gật đầu)
Achilles: Sao ngài vào đây được?
Vua Priam: Ta rành đất nước của ta hơn người Hy Lạp
Achilles: Ông là một người tài giỏi. Tôi có thể lấy đầu ông bằng một nhát kiếm trong nháy mắt
Vua Priam: Ngươi nghĩ lúc này ta còn sợ cái chết nữa sao? Ta đã chứng kiến cái chết của con trai cả và cảnh ngươi kéo xác nó sau xe. Cho ta xin nó về. Nó phải được chôn cất theo đúng nghi thức và người cũng biết vậy. Hãy trả nó cho ta. 
Achilles: Con trai ông đã giết em họ ta 
Vua Priam: Hector đã nghĩ đó là ngươi. Người đã giết bao nhiêu người em họ của kẻ khác, bao nhiêu người anh, người em, người cha, người chồng. Bao nhiêu người hỡi Achilles tài giỏi? Ta biết cha của ngươi. Ông ấy chết quá sớm nhưng ông ấy đã có diễm phúc là không phải chứng kiến cảnh con trai mình chết.Ngươi đã lấy hết của ta, kẻ kế thừa ngai vàng, người bảo vệ vương quốc của ta. Không thể thay đổi việc đã xảy ra, đó là ý muốn thần linh. Nhưng hãy ban cho ta một ân huệ nhỏ đó.Ta đã thương yêu con ta từ lúc nó mở mắt chào đời cho đến khi nguời làm nó nhắm mắt. Hãy để ta tắm rửa xác của nó, cầu nguyện cho nó, đặt hai đồng tiền lên mắt của nó để đưa nó qua thế giới bên kia 
Achilles: Nếu tôi có để ông ra về an toàn, có để ông mang xác Hector về thì điều đó cũng không thay đổi được gì. Ngày mai ông vẫn là kẻ thủ của tôi. 
Vua Priam: Ngay đêm nay ngươi đã là kẻ thù của ta rồi. Nhưng ngay cả kẻ thù cũng phải tôn trọng nhau.
 Achilles: Ta kính trọng sự can đảm của ông…

Tôn trọng lời khẩn cầu của một người cha già, Achilles để ông đưa xác Hector về với Troy.
Câu nói của vua Priam làm tôi suy nghĩ rất nhiều: “Ngay cả kẻ thù cũng phải tôn trọng nhau”.
Nhớ lại câu nói của ông bà mình: “Buôn có bạn, bán có phường”, nhưng hình như từ rất lâu rồi những đơn vị làm cùng ngành hoặc những người làm cùng nghề lại mặc nhiên được chúng ta xem là đối thủ (thậm chí kẻ thù) của nhau.
Đâu là điểm khác nhau giữa cạnh tranh và thù địch? Đối thủ là kẻ cần bị triệt tiêu, hạ gục, lúc này mục tiêu của bạn là nhắm đến sự sống còn của kẻ mà bạn coi là đối thủ. Trong khi cạnh tranh thì cả hai đều có mục đích riêng dù trong cùng ngành; họ cạnh tranh nhau để không ngừng vươn cao, tiến xa chứ không nhắm đến chuyện triệt tiêu lẫn nhau, cả hai nhìn nhau làm thước đo và động lực để không ngừng hoàn thiện mình. 
Steve Job và Bill Gate
Hãy nhìn những khía cạnh tích cực của cạnh tranh: cạnh tranh giúp nâng cao chất lượng, cạnh tranh thúc đẩy sự tiến bộ, cạnh tranh là động lực để doanh nghiệp đổi mới không ngừng, cạnh tranh làm xã hội đi lên, cạnh tranh giúp cuộc sống hướng đến sự hoàn thiện… Chúng ta cần những con người cạnh tranh, những tổ chức cạnh tranh để hướng tới điều này. Ngay cả kẻ thù ở hai chiến tuyến cũng cần tôn trọng nhau vì suy cho cùng họ chỉ theo đuổi mục đích, lý tưởng của riêng họ.

Trong phim Troy, Achilles và Hector là hai đối thủ vĩ đại của nhau và họ thể hiện sự tôn trọng nhau hết mực. Câu chào tạm biệt của Achilles “Hẹn gặp lại người anh em” khi Hector chỉ còn một cái xác là hình ảnh tuyệt vời nhất thể hiện sự tôn trọng này. Vậy mong rằng từ nay chúng ta hãy cùng nhau cạnh tranh để tất cả cùng vươn lên và tìm chỗ đứng cho riêng mình, vì bầu trời này đủ chỗ cho tất cả chúng ta.

Chủ Nhật, 4 tháng 11, 2012

Trương Võ Tuấn : "Tìm Việc Nhanh" là chiến lược định vị

Trong hai bài viết về chủ đề tên miền từ khóa gần đây, Tìm Việc Nhanh (TVN) được đề cập như một điển hình về sự thành công trong việc xây dựng thương hiệu từ một tên miền từ khóa (EMD). Tôi đã có dịp trao đổi với anh Trương Võ Tuấn, CEO của TimViecNhanh.com để tìm hiểu "nhanh" về cách chọn lựa tên miền cũng như phương pháp đầu tư của trường hợp này.

Ngoài tên miền TimViecNhanh.com, Trương Võ Tuấn còn được biết đến như một đại gia về tên miền với hơn 10 nghìn tên miền khác nhau, trong số đó có CongSo.com - sản phẩm hợp tác chính thức với Google về Google AdSense thời gian gần đây.


Mời bạn cùng theo dõi nội dung trao đổi dưới đây

Trong đợt Google cập nhật EMD gần đây, anh có bị ảnh hưởng không?
Cập nhât EMD công ty anh bị ảnh hưởng chứ, ví dụ như website SuaOngChua.com.vn đang ở vị trí 1,2 trang 1 đã xuống đến trang 3, 4.

Vì sao anh lại chọn tên miền timviecnhanh.com, nó có giúp ích gì trong vấn đề seo hay chỉ là trùng hợp?
Thương hệu vẫn là quan trọng nhất, nên nếu cứ chạy theo seo coi chừng bị lạc lối. Hiện tại số lượng tìm kiếm từ chính xác (exact match)  của “tìm việc nhanh” nhiều hơn “việc làm” cho thấy người dùng đang nhận định đây là thương hiệu.

Việc chọn tên TVN xuất phát từ quan điểm thành lập trang web, đó là chiến lược định vị khi làm dự án chứ không phải quan tâm đến seo. Công ty hiện có nhiều tên miền từ khóa nhưng vẫn sử dụng tên miền thương hiệu là chính

Định vị ở đây là "nhanh" phải không anh?
Nhanh và hướng đến người tìm việc. Tại thời điểm đó, toàn bộ các website việc làm đều hướng đến người tuyển dụng như : job, work, tuyendung... chỉ duy nhất bên anh là hướng đến tìm việc.

Quan điểm về đầu tư tên miền của anh từ ngày đầu là mua cả bộ và chỉ chọn domain nào đủ bộ TLD (com/net/org/vn/com.vn..) mới mua. Thời điểm đó, anh không mua những tên miền không đủ bộ, nếu không có đủ tối thiểu là 3 bộ chính  .com. com.vn và .vn.

Sau này quan điểm anh thay đổi, CongSo.com, SuNghiep.com anh không mua đủ bộ nhưng anh vẫn đầu tư vì tên miền ngắn có nhiều lợi thế hơn. Tên miền ngắn dễ hơn trong việc truyền thông, làm logo...

Các tên miền này đều rất đẹp, anh có phải mua lại của ai hay anh mua từ các đại lý gốc?
Bên anh mua lại. Đầu tư tên miền xấu nhiều khi đắt tiền hơn tên miền đẹp rất nhiều, gia hạn 10 năm cho 5 cái tên xấu (và cả bộ tên miền) thì mua 1 domain đẹp rẻ hơn nhiều. Hiện tại, anh quan điểm không đầu tư tên miền theo bộ, không đầu tư tên miền xấu, không quan tâm key domain nữa.

Có phải ý anh đang nói đến giá trị về lâu dài, và có khả năng làm thương hiệu
Đúng vậy. Anh ví dụ là SuNghiep.com vẫn đỉnh nhất trong các tên miền SuNghiepChungTa, SuNghiepBanTre, SuNghiepLauDai, ToivaSuNghiep .. nhưng cơ hội mới là điểm đáng lưu ý. Thời điểm xuất phát của tên miền từ khóa sớm thì tự thân nó làm nên thương hiệu. Domain key làm thương hiệu là vô đối nhưng nếu tên miền đỉnh mà thời điểm xuất phát muộn thì cơ hội sẽ vuột mất. Khi đó các thương hiệu đã mạnh, domain key cũng không còn mang lại lợi thế nữa.

Thietkeweb.com là đỉnh nhất rồi của ngành nhưng yếu điểm của cái tên miền từ khóa không phải là không có.

Theo kinh nghiệm của anh thì bao lâu một tên miền sẽ trở thành thương hiệu?
Thời gian sẽ tùy độ phủ của ngành, không có khái niệm bao lâu về thương hiệu vì nó phụ thuộc và ngân sách và đặc điểm ngành

Trước khi làm TVN, ở góc độ nhà đầu tư anh đã phân tích thế nào ạ?
Chỉ là dự án đầu tay nên kinh nghiệm đầu tư của anh lúc đó còn non lắm, chỉ phân tích trên quan điểm tài chính. Timviecnhanh phát triển theo định hướng không sống nhờ vào quỹ đầu tư mà nó đầu tư cho chính nó mà thôi.

TVN mất bao lâu để đạt điểm hòa vốn anh?
Trong vòng 1 năm. Mấu chốt chính là chi phí thấp. Khi kinh doanh anh đã xác định vùng lợi nhuận nên định vị và dịch vụ hướng đúng đối tượng, chẳng hạn không chạm vào phân khúc mà VietnamWorks đang chiếm giữ.

Làm thế nào để giữ được chi phí thấp mà vẫn phát triển được một sản phẩm hiệu quả?
Điều này phụ thuộc vào người cầm quân vì không có câu trả lời cho câu hỏi đó. Chẳng trường hợp nào giống trường hợp nào.

Kết luận: Tôi tin rằng bạn cũng giống tôi, đều nghĩ rằng Tìm Việc Nhanh từ ban đầu đã nhắm vào tên miền từ khóa, nhưng thực tế thì  hoàn toàn khác: TVN đi theo chiến lược định vị từ ban đầu chứ  không quá chú trọng vào SEO. Phát triển sản phẩm, chọn đúng phân khúc và hòa vốn trong vòng một năm là một câu chuyện thú vị và cũng là một kết quả đáng mơ ước của nhiều bạn khởi nghiệp với sản phẩm internet.

Chúc các bạn tìm thấy cảm hứng qua những thông tin tuy ngắn ngủi nhưng chứa đựng tâm huyết và cách nghĩ của một nhà đầu tư chuyên nghiệp, đã gặt hái được những thành công trong ngành Internet Việt Nam.

Thứ Bảy, 27 tháng 10, 2012

Du Nguyễn: sẽ dốc toàn lực vào 01 tên miền thương hiệu!

Sau bài viết “Thương hiệu Việt & Tên Miền: có nên chọn Tên-miền-từ-khóa?”, tôi tiếp tục phỏng vấn Du Nguyễn, người tôi vẫn gọi là “tiền bối” về khía cạnh tuổi nghề. Trong nhiều dịp tiếp xúc cá nhân giữa tôi với đại diện các công ty lớn nhỏ khác nhau, Du luôn nổi lên như một trong những cá nhân uy tín và được nhiều người biết đến  nhất trong ngành SEO Việt Nam tính đến thời điểm hiện tại.

Du Nguyễn - Managing Director at First Page / SEO Manager at Lazada
 Photo by Jimmy Teo
Du Nguyễn được biết đến như là người sáng lập website LamSEO.com  từ tháng 10/2007 và mang lại cho ngành SEO  những thông tin quý báu suốt 5 năm qua.  Chuyên môn của Du được khẳng định thông qua những dự án SEO lớn và phức tạp nhất Việt Nam như vnExpress.net (Du là SEO/Web Traffic Manager tại FPT Online), phụ trách SEO cho dự án  Zing.vn từ những ngày đầu tiên và hiện đang giữ vai trò SEO Manager tại Lazada Việt Nam.

1. Công việc

Xin chào Du, đã lâu không gặp Du trong các buổi offline về ngành SEO. Công việc hiện tại của Du là gì?
Hiện tôi mới tham gia dự án thương mại điện tử Lazada.vn với vai trò SEO manager đồng thời cũng vừa thành lập và điều hành một công ty riêng chuyên về Search Marketing tên gọi First Page (website chưa xây dựng xong nên bạn Google không ra đâu).

Vai trò Du đang đảm nhiệm sẽ giải quyết vấn đề gì cho Lazada 
Lượng khách & đơn hàng từ các công cụ tìm kiếm mà không phải trả phí, mà chủ yếu là từ Google.com.vn.

Làm sao để giải quyết vấn đề này một cách hiệu quả, KPI là gì?
Câu hỏi ngắn nhưng khó trả lời đây. KPI thì tôi không thể công bô con số cụ thể được. Còn giải pháp hiệu quả thì theo tôi nằm ở chỗ nên hiểu mình mạnh gì yếu gì so với các đối thủ khác từ đó có kế hoạch thích hợp.

Du đã bắt đầu công việc SEO như thế nào, cơ duyên nào đã đưa bạn đến công việc này?
Trong một bài chia sẻ chân tình trên Làm SEO về “Tự học SEO cho Newbie”, tôi đã nói qua việc này. Đó là khoảng giữa năm 2005 khi đang thời gian thử việc vị trí Web Copywriter cho Audio4fun.com, một website bán phần mềm cho thị trường nước ngoài, sếp chắc thấy tôi mê web quá nên giao thêm việc tìm hiểu, nghiên cứu & ứng dụng SEO vào website công ty. Thế là bén duyên tới giờ.

Ngày xưa đi học tôi mơ sau này trở thành một nhà văn, lên đại học thì ấp ủ làm copywriter nhưng 07 năm nay thì người ta nhìn mặt tôi là thấy cái sẹo khắc chữ SEO trên trán. Không biết nên buồn hay nên vui nữa.

Theo Du, làm sao để trở thành một người làm seo giỏi?
Tôi nghĩ đầu tiên là chịu khó, có đam mê, phương pháp đúng và không ngừng thử nghiệm để tự rút ra kinh nghiệm, dựa trên những chỉ dẫn từ chính Google và website nổi tiếng như SEOMOZ.org, SearchEngineLand.com... Có đam mê và chịu khó, kiên trì sẽ giúp bạn luôn có động lực phấn đấu, còn phương pháp và thử nghiệm sẽ giúp bạn đo lường, điều chỉnh để tối ưu công việc. Một mẹo nhỏ nữa là thay vì chỉ đặt câu hỏi trên các diễn đàn trong nước thì chịu khó trao đổi với các bạn làm SEO nước ngoài, đặc biệt khai thác các toán tử của Google trước khi hỏi. Và quan trọng là người làm SEO ít nhất phải có 01 website riêng hoặc blog cá nhân để trải nghiệm.
Ở những công ty lớn có nhiều phòng ban khác nhau thì kĩ năng giao tiếp, gây ảnh hưởng hoặc thuyết phục cũng rất cần thiết để giúp công việc trôi chảy và hiệu quả hơn.
Ngoài ra thì hiện tại ngoài SEO bạn cũng nên tự trang bị kiến thức, kinh nghiệm về các kênh quảng bá khác vì một website thành công không chỉ nhờ vào SEO.
Mà nói thật nhé, tôi không nghĩ mình là người làm SEO giỏi, vì không phải lúc nào tôi cũng đáp ứng những tiêu chí mà tôi vừa liệt kê ở trên.

LamSeo.com là website được rất nhiều người làm SEO biết đến, vì sao lại xảy ra sự cố mất tên miền và Du đã làm gì để lấy lại domain?
Tôi muốn bắt bẻ bạn một chút, là tôi luôn ghi in hoa chữ SEO trong LamSEO.com chứ không thích cách ghi LamSeo.com. Tôi cũng muốn nhân dịp này cảm ơn đến tất cả những cộng sự đã đóng góp nhiều bài viết hữu ích cho LamSEO.com thời gian qua, vì rõ ràng LamSEO.com được nhiều người người quan tâm là do phần nhiều đóng góp của các cộng sự, cộng tác viên. Và tôi rất mong tiếp tục nhận được hỗ trợ từ các bậc tiền bối và các bạn trong thời gian sắp tới.
Việc tên miền LamSEO.com, cùng với TuvanSEO.com và TuVanLamSEO.com bị mất ngày 11/07/2012 thì lỗi cũng do tôi bất cẩn trong việc quản lí tên miền. Tôi sẽ chia sẻ cụ thể hơn về các sai sót ngớ ngắn của tôi trên blog cá nhân sớm thôi để một số bạn có thể rút kinh nghiệm.
Để lấy lại tên miền tôi đã liên hệ với tổ chức bảo vệ sở hữu trí tuệ quốc tế WIPO nhưng mẫu đề nghị của tôi không được duyệt do tên miền chưa được đăng kí sở hữu trí tuệ, trademark. Tôi đành ngậm ngùi bỏ cuộc thôi.
Hiện tại “hacker” đang rao bán LamSEO.com trên Sedo.com với giá 8,888 USD nhưng tôi nghĩ duyên đã hết nên không tham gia đấu giá. Tôi sẽ dùng số tiền đó đầu tư vào tên miền/website khác để làm mới chính mình.

Domain bị mất ảnh hưởng nghiêm trọng đến doanh nghiệp, đặc biệt là những doanh nghiệp kinh doanh thông qua internet.  Theo Du, họ nên  làm gì để bảo vệ tên miền của mình?
  • Thứ nhất là luôn ghi nhớ ngày hết hạn của tên miền để gia hạn kịp lúc.
  • Thứ hai là nên dùng email bí mật nào đó để quản trị tên miền. Bạn cũng có thể dùng Gmail và kích hoạt tính năng bảo vệ 02 lớp, kết hợp mật khẩu (điều bạn biết) và điện thoại của bạn (cái bạn có)
  • Thứ nữa là nên đăng kí thêm chế độ bảo vệ riêng tư cho chủ sở hữu để khi ai đó xem WHOIS đều không lần ra được email quản trị. 
  • Không dùng chung mật khẩu (hoặc dễ đoán) cho các dịch vụ khác nhau với tài khoản quản trị tên miền
  • Ngoài ra nên đăng kí sở hữu trí tuệ/trademark để khi có sự cố thì được các tổ chức quốc tế hỗ trợ. Còn nếu tên miền đăng kí ở VN có đuôi .vn hoặc .com.vn thì có thể yên tâm về khoản bảo hộ.  

2. EMD vs Brand domains

Du đánh giá thế nào về tên-miền-từ khóa?
Từ khóa trùng tên miền rõ ràng là lợi thế cho SEO. Đó là lí do tại sao giới SEO & đầu cơ tên miền quốc tế thường ưu tiên chọn mua tên miền chứa từ khóa (một phần hoặc hoàn toàn)...

Ở Việt Nam cũng có nhiều đơn vị, cá nhân sớm nắm bắt và nhanh chóng đăng kí nhiều tên miền từ khóa, thường là “niche market” (thị trường ngách). Bản thân tôi cũng có một vài tên miền dạng như thế mà tiêu biểu có thể là LamSEO.com.

Lợi thế đó là gì? Bài viết của Hiển lần trước đã bao quát đầy đủ rồi, tôi chỉ muốn nhấn mạnh khía cạnh lợi thế về đầu tư và thời gian. Tức là bạn nỗ lực ít hơn, đầu tư nội dung ít hơn nhưng vẫn có thế nhanh chóng top 01 từ khóa trùng tên miền (vài tuần thậm chí vài ngày nếu từ khóa ít cạnh tranh), đặc biệt là ở những từ khóa mới xuất hiện (xu hướng, ngành mới). Điều này rất thuận lợi cho các mô hình xây dựng liên kết, site vệ tinh để bao phủ top 10 công cụ tìm kiếm. 

Tôi muốn lấy ví dụ về tên miền dạng này ở VN ngay trong giới SEO. Còn nhớ cuối năm 2008 có cuộc thi SEO với từ khóa “cuocthiseo” trên Google.com. Khi đó website cuocthiseo.com liên tục top 01 từ khóa này trong 03 tháng tháng diễn ra mặc cho phía dưới có nhiều website đầu tư nội dung & xây dựng liên kết tốt hơn.

Một bí mật mà ít ai ngờ đến: chính bản thân tôi cũng tham gia cuộc thi này với website vietseoguy.com, chủ yếu muốn kiểm nghiệm có phải “Content is King” hay không với những từ khóa mới. Tôi nhận thấy site mình là một trong những site hiêm hoi khi đó tự viết nội dung tiếng Anh và đều đặn nhưng kết quả chung cuộc chỉ xếp thứ 05 hoặc 06 gì đó. 

Điểm yếu 
Không có điểm yếu. Nhưng vì không có điểm yếu nên dễ chủ quan và dẫn đến kết quả không như mong đợi. Nói cách khác điểm mạnh cũng có thể là điểm yếu của tên miền từ khóa. 

Nếu bạn chỉ làm nội dung hời hợt vì nghĩ rằng dễ đứng top thì nhất thời có thể trên đối thủ, nhưng sau một thời gian nếu website bạn không hoặc ít mang giá trị cho người dùng thì rốt cuộc website sẽ bị tuột hạng và mất khách thôi. 

Còn nếu bạn vừa tận dụng tên miền từ khóa vừa đầu tư bài bản và có chiều sâu về nội dung, branding, marketing,... thì nhiều khả năng sẽ “vô đối”…

Tên miền từ khóa vs Tên miền thương hiệu, theo Du mình nên chọn yếu tố nào?
Tôi muốn mượn lời của Matt Cutts, trưởng phòng chống spam của Google, khi được hỏi liệu “Google có đánh giá cao các thương hiệu khi xếp hạng không?” thì ông ta cho rằng đối với Google khi xếp hạng thì không quan tâm đến thương hiệu của website, mà chỉ quan tâm đến các yếu tố như Trust, Authority, Reputation, Pagerank, High-quality content.

Còn đối với tên miền từ khóa thì cuối tháng 09 vừa rồi ông ta cũng nói đã đánh tụt hạng các site tên miền từ khóa mà nội dung chất lượng kém (truy vấn/từ khóa tiếng Anh).

Điều này có nghĩa là về dài hạn, bạn chọn tên miền nào không quan trọng bằng việc bạn phát triển nội dung cho nó như thế nào, có đáp ứng nhu cầu tìm kiếm của khách hay không…

Về thủ thuật thì dĩ nhiên là nếu bạn tìm được tên miền nào có chứa từ khóa đúng với tên ngách, thị trường, sản phẩm hoặc dịch vụ của bạn thì bạn nên mua ngay, không chỉ .com mà còn bao phủ các Top Level Domain  khác nữa (net/info/org/vn/com.vn...). Nếu bạn chần chờ thì đối thủ của bạn sẽ mua, và bạn sẽ mất công nhiều hơn. 

Trong trường hợp bạn không tìm được tên miền từ khóa như mong muốn thì  bạn cũng không nên lo lắng quá, bởi vì rất nhiều tên miền không trùng hoặc chứa từ khóa vẫn đứng top nhiều từ khóa nặng kí.  Site tin tức  thì có VnExpress.net, 24h.com.vn, thương mại với Vatgia.com, công nghệ thì tinhte.vn, giải trí thì có zing.vn, eva.vn… 

Một ví dụ khác là tên miền LamSEO.com và TuVanSEO (trước đây đều là của tôi nhưng đều bị đánh cắp từ 11/07/2012) thì LamSEO.com vẫn từng xếp hạng 01 và nằm trên TuVanSEO.com với 02 từ khóa “tu van seo” và “tư vấn seo”.

Kết luận:
  1. Nếu buộc phải chọn lựa giữa đầu tư chỉ 01 tên miền thương hiệu và 10 tên miền từ khóa, tôi sẽ dốc toàn lực vào 01 tên miền để biến nó thành thương hiệu.
  2. Nhưng nếu có thể lựa chọn cả hai, dĩ nhiên tôi sẽ chọn cả hai, nhưng cũng sẽ ưu tiên cho tên miền thương hiệu hơn. Các tên miền từ khóa sẽ đóng vai trò hỗ trợ.
Dù tên miền nào thì ưu tiên hàng đầu vẫn là phát triển nội dung & mang giá trị lại cho người dùng.

3. Ngành SEO tại Việt Nam

Du nhận xét về những SEO (người làm seo) ở Việt Nam như thế nào?
Nhìn chung các bạn rất tài năng, ham học hỏi và chịu khó, nhanh chóng tiếp thu, cập nhật cái mới và hầu hết đều có trải nghiệm riêng ngay chính các site của các bạn. Tương lai các bạn sẽ ngời sáng! Chỉ có một điều nhỏ là lướt qua các diễn đàn SEO thì tôi thấy không ít bạn thiếu tự tin và hỏi nhiều câu hỏi hơi tủn mủn mà lẽ ra các bạn có thể tự google và trải nghiệm được. 

Được biết Du có công ty riêng là First Page, công ty này cung cấp những dịch vụ gì cho doanh nghiệp? Các dịch vụ này sẽ giúp doanh nghiệp giải quyết vấn đề nào?
Từ sau khi LamSEO.com bị đánh cắp thì tôi càng quyết tâm làm điều gì đó có ích cho mình, cộng đồng SEO và các doanh nghiệp quan tâm kênh quảng bá online, và tôi chọn tên công ty là First Page, nghe là thấy nó liên quan search liền. Chúng tôi cung cấp các giải pháp search marketing từ nâng thứ hạng từ khóa quan trọng/sống còn của doanh nghiệp đến phát triển lượng khách hàng tiềm năng, cải thiện tỉ lệ chuyển đổi và gia tăng đơn hàng cho các site TMĐT, xử lí khủng hoảng và bảo vệ thương hiệu trên công cụ tìm kiếm.   

Phát triển khách hàng tiềm năng như thế nào?
Là đổi góc nhìn một chút. Nhiều doanh nghiệp cứ đinh ninh phảilên top vài từ khóa mà mình chủ quan nghĩ nó sẽ tốt cho kinh doanh. Nhưng thực tế thì những từ khóa đó hoặc không khả thi hoặc không phải đúng nhu cầu tìm kiếm. Còn rất nhiều từ khóa tiềm năng khác chưa được khám phá liên quan đến sản phẩm, dịch vụ của doanh nghiệp. Tôi hay nhận được các yêu cầu làm SEO để tăng hạng các  “hard keywords” kiểu như “điện thoại”, “thời trang”. Tại sao không tìm tòi các từ khóa “mềm” hơn hoặc “long-tail” để vừa khả thi vừa nhắm đúng đối tượng và tỉ lệ chuyển đổi thành khách hàng hơn, ví dụ “bán điện thoại giá rẻ” hoặc “shop thời trang nữ cao cấp tại Tphcm”... 

Cải thiện tỉ lệ chuyển đổi có phải là UX? Conversion optimize? 
“Tỉ lệ chuyển đổi” là dịch từ “conversion rate”. Ví dụ hiện tại cứ 1000 visits từ Google thì chỉ có 2 đơn hàng thành công, tỉ lệ 0,2%. Mục tiêu là phải cải thiện tỉ lệ đó bằng cách phân tích, tối ưu landing page và nghiên cứu lại từ khóa...

Dịch vụ chuyển đổi này không chỉ là SEO mà còn chạm trực tiếp đến điều mà mọi doanh nghiệp đều quan tâm: Tiền. Ở đây, Tiền chính là doanh thu đến từ đơn hàng online. Làm thế nào để khách hàng tin rằng First Page có thể làm được điều đó?
Bản thân tôi và cộng sự tại First Page đều đã kinh qua ít nhất hai dự án TMĐT lớn nên rất chú trọng đến việc tối ưu hóa tỉ lệ chuyển đổi từ khách viếng thăm thành khách hàng thực tế, dựa vào những con số rất cụ thể của Google Analytics. Chúng tôi giám sát và báo cáo hàng tuần để kịp thời điều chỉnh hoặc phân tích nguyên nhân tăng giảm...

Xử lý khủng hoảng và bảo vệ thương hiệu như thế nào? Du có có thể nói rõ hơn?
Thương hiệu càng lớn thì càng phải được chú trọng bảo vệ, đặc biệt là trong thời buổi internet phát triển mạnh mẽ. Tôi ví dụ bạn đầu tư bạc tỉ vào marketing truyền thống, xây dựng hình ảnh thương hiệu ABC rộng khắp cả nước, đi đâu cũng thấy thương hiệu của bạn nhưng ai đó (khách hàng tiềm năng) tò mò không biết thương hiệu của bạn là gì thì nhiều khả năng họ sẽ lên mạng google từ khóa “ABC” và biết đâu trong top 10 kết quả có một hoặc vài kết quả đang nói xấu thương hiệu của bạn mà sự thật không phải như vậy. Mà bạn biết rồi đấy, ở Việt Nam thì Google là website phổ biến nhất (theo Alexa).
First Page đang triể khai và không ngừng hoàn thiện dịch vụ mới này để giúp các doanh nghiệp yên tâm với thương hiệu của mình trên internet, hoặc ít nhất là trên Google.

Du nhận xét thế nào về thị trường [seo] , [online marketing] tại Việt Nam hiện nay?
Tôi cảm được thị trường SEO nói riêng và online marketing nói chung tại Việt Nam đang nóng lên từng ngày, đặc biệt những lúc khó khăn kinh tế như hiện tại. SEO hoặc online marketing đầu tư chi phí thấp nhưng hiệu quả cao, lại dễ dàng đo lường và tối ưu liên tục. 

Khác biệt giữa First Page và các công ty về SEO khác ở đâu? Điều gì khiến khách hàng chọn bạn?
Tôi thực sự chưa tìm hiểu kĩ các công ty SEO khác đang hoạt động như thế nào nên không dám lạm bàn. Tôi chỉ quan tâm là dù làm riêng hay làm thuê thì  tôi luôn muốn SEO trở thành một kênh đầu tư hiệu quả của doanh nghiệp, cả ngắn hạn lẫn dài hạn. Hiện tại khách hàng chọn First Page một phần vì họ tin tưởng tôi, thông qua những dự án mà tôi đã từng làm hoặc được nhiều anh chị uy tín đã từng làm việc hoặc tiếp xúc với tôi giới thiệu.

Bản thân Du Nguyễn đã là một thương hiệu, nó sẽ ảnh hưởng gì tới thương hiệu công ty? Du có định sẽ gắn liền nó với thương hiệu công ty như Steve Jobs, Bill Gate hay gần nhất là Danny Sullivan với SEL, Randy Fish của SeoMoz hay sẽ chọn hướng khác?
Thực sự thì tôi cũng đang mới chập chững tìm hiểu về xây dựng thương hiệu mà thôi. Lại chưa bao giờ nghĩ sẽ có ai đó đặt câu hỏi khó và ví von với những nhân vật kiệt xuất và nổi tiếng như trên.  
Nếu “Du Nguyễn” được xem là “thương hiệu” trong ngành SEO thì rất vinh dự cho tôi. Có lẽ tôi khá may mắn khi được trao cơ hội làm SEO những dự án lớn nên cũng học hỏi được nhiều điều. Và như vừa nói, rõ ràng là First Page đang được hưởng lợi từ uy tín cá nhân tôi.
Nhưng tôi không muốn sau này nói tới First Page là nói tới Du Nguyễn mà phải là nói tới một tập thể nhiều chuyên gia search marketing lành nghề và uy tín cao. Có như vậy thì First Page mới phát triển tốt và lâu bền được. 

Trong vòng 5 năm nữa, ngành SEO sẽ như thế nào? Liệu có bị biến mất hay sẽ có sự thay đổi mới?
Tôi nhớ cách đây 04 năm tôi cũng tham gia tranh luận trên DDTH.com về tương lai nghề SEO và có trích dẫn lời Matt Cutts rằng “SEO có tương lai miễn là bạn làm White-hat” và rõ ràng trong 04 năm vừa rồi tôi và nhiều đồng nghiệp khác sống tốt nhờ SEO. 
Thật khó để đưa ra nhận định cho 05 năm tiếp theo nhưng tôi tin SEO vẫn sẽ là một kênh quảng bá thương hiệu và marketing hiệu quả. Tôi nghĩ SEO sẽ phát huy hết vai trò của mình khi được kết hợp với những kênh quảng bá khác như Paid search, Social Media, Online PR...

3. Cuộc sống

Du làm thế nào để cân đối giữa công việc và gia đình?
Tôi có diễm phúc mà không phải ai cũng có được. Đó là làm việc ở nội thành nhưng hàng ngày lại tận hưởng không khí mát mẻ dễ chịu ở ngoại thành. Chỗ tôi ở nhiều cây xanh, ruộng đồng không bát ngát nhưng không khí rất trong lành và yên tĩnh. Ngày thường hầu như tôi chỉ ở nhà vào sáng sớm và buổi tối thôi nhưng cuối tuần thì thường tôi ít vào trung tâm trừ khi có việc quan trọng, nên ở nhà tận hưởng cuộc sống với người thân.

Ngoài giờ làm việc, Du thường làm gì? Vì sao Du lại chọn những hoạt động này?
Online thì lang thang và “chém gió” trên Facebook để cập nhật tin tức chọn lọc, giữ liên kết với bạn bè, đồng nghiệp và giao lưu bạn mới. Offline thì chăm và chơi với gà kiểng (thuần Việt nhé, không phải gà ngoại hihi) vì tôi cảm thấy thoải mái, bình an khi ngắm, vuốt ve những chú gà cưng, nhìn chúng phát triển từng ngày. Ngoài ra lúc rảnh rỗi tôi hay cà phê, uống bia & đi đá banh với bạn bè đồng nghiệp.

Mình sẽ cùng đến với một câu hỏi cá nhân: Điều tôi biết chắc. Du sẽ gửi gắm một điều mà Du biết chắc gửi đến người khác, có thể seo, marketing hoặc đơn giản là những người Du quen biết, Du sẽ nói điều gì?
Tôi tin những ai có khát vọng, đam mê, chịu khó và có tâm sáng, nhất định sẽ thành công bất cứ ở ngành gì chứ không chỉ là SEO. Còn sớm hay muộn thì còn tùy vào cơ duyên của bạn nữa. 
Nhân tiện lần đầu tiên được phỏng vấn thiệt là dài để chia sẻ với các bạn trẻ, cho tôi cảm ơn Hiển đã tạo điều kiện để tôi chia sẻ với các bạn làm SEO, và cảm ơn cộng đồng SEO đã ủng hộ cá nhân tôi và LamSEO.com trong suốt nhiều năm qua. Sắp tới tôi không định sẽ phát triển tiếp tên miền LamSEO.vn (dù được anh Tuấn Hà Vinalink tặng lại)  mà sẽ dùng một tên miền bình dân khác để tiếp tục chia sẻ trải nghiệm của nhiều anh em trong giới.

Xin gửi tặng các bạn mã coupon khi mua bất kì gói nào của công cụ quản lí liên kết monitorbacklinks.com đều sẽ được tặng thêm 50% lượng link, chỉ cần điền vào trang profile mã DUNGUYEN50 bạn nhé!  Các bạn cần thêm tin về sử dụng mã trên có thể liên hệ email cá nhân dunguyen.hcmc@gmail.com.

Chúc các bạn làm SEO nói riêng và làm việc online nói chung gặp nhiều may mắn và thành công nhé! 



Chủ Nhật, 21 tháng 10, 2012

Thương hiệu Việt & Tên Miền: có nên chọn Tên-miền-từ-khóa?

Cuối tuần trước, Matt Cutts - Google’s head of webspam - công bố một cập nhật "nhỏ": giảm mức độ quan trọng của các tên miền "exact match domains (EMD)" trong việc xếp hạng các trang web.

Sử dụng EMD là một trong những lý do bạn nhìn thấy một số trang kết quả bị bao phủ bởi những tên miền có trùng với từ khóa tìm kiếm. Chắc hẳn cũng có lần bạn khó chịu khi nghĩ những kết quả đó là "spam". Liệu Google sẽ giúp chúng ta một trải nghiệm tốt hơn?

Exact match domains  là gì?
Ở hình ảnh trên, bạn sẽ thấy các tên miền có chứa từ khóa "thiet ke web top""thiet ke web" đang ở vị trí cao nhất trên kết quả tìm kiếm. Các domain này có chứa cụm từ "thietkeweb" trong tên miền của mình. Tôi tạm gọi đây là tên-miền-từ-khóa.

Chúng ta sẽ cùng tìm hiểu về khía cạnh này trong bài viết dưới đây: vì sao các công ty chọn tên miền từ khóa, nó có thực sự hiệu quả và cập nhật mới này liệu có ảnh hưởng tới họ?

Todd Malicoat đã viết một bài dài trên SEOMOZ, trong đó có ví dụ cách chọn

Với từ khóa keywords sẽ có nhiều nấc thang cho bạn chọn
Bài viết của Todd cũng đề cập đến những yếu tố ảnh hưởng đến chất lượng của domain sẽ là
  1. TLD extension  (.com/.net/.org/.other) - chúng ta vẫn thường gọi là "domain quốc tế"
  2. Số lượng keywords trong tên miền - Number of keywords. Kinh nghiệm của tác giả cho biết "4 words max for .com, 3 words max for .net/.org.  3 word .com or 2 word .net/.org is the best idea" - đây là cách tiếp cận này tác giả đề cập liên quan tới từ khóa tiếng Anh, bạn có thể tham chiếu cho Tiếng Việt.
  3. Có dấu gạch giữa các từ khóa. Ví dụ tu-khoa.com là tên miền có dấu gạch ngang (dashed), còn tên miền tu-khoa.com sẽ là tên miền không có dấu gạch ngang (non-dashed). Không nên chọn các tên miền có hơn 1 gạch ngang trong tên miền
  4. Tên miền có các từ đệm - stop words. Xem danh sách stop words tại đây
Vì sao phải quan tâm đến tên-miền-từ-khóa?
Có nhiều lý do để chọn tên miền từ khóa
  1. Rất thuận lợi khi khởi nghiệp, có ngay một số traffic liên quan tới sản phẩm, dịch vụ hoặc ngành công ty hoạt động
  2. Dễ dàng có Anchor text trong link. Lợi thế không chỉ vì Google đánh giá cao mức độ liên quan, đó còn là lợi thế trong việc link building: dễ dàng có một liên kết có chứa keywords khi dùng chính tên miền của mình để làm anchor text. Cách làm này rất tự nhiên với search engine và cả người dùng.
  3. Dễ dàng có được nội dung trao đổi liên quan đến từ khóa từ mạng xã hội. Người dùng sẽ nói nội dung có từ "việc làm" nhiều hơn và dễ hơn so với "VietnamWorks", trao đổi liên quan đến "điện máy" thì luôn nhiều hơn nói cụ thể đến "nguyễn kim".
  4. Chiếm lĩnh một thị trường ngách - “Category Killer” - một số ngành hiện tại ở Việt Nam, 10/10 kết quả của trang đầu tiên nằm trong tay một công ty duy nhất với nhiều tên miền khác nhau.
  5. Khi nói tới ngành, cũng chính là nói tới thuơng hiệu. Điện máy vừa là ngành, vừa là thuơng hiệu.
  6. Rất hiệu quả cho các từ khóa có nhu cầu mua
  7. Một số doanh nghiệp có giới hạn các từ khóa tốt. Hãy tưởng tượng ngành nước khóang, người dùng sẽ tìm bao nhiêu loại từ khóa liên qua. Khi bạn sở hữu toàn bộ các từ khóa này, bạn có rất nhiều cơ hội.
  8. Nhà đầu tư nhìn thấy cơ hội để chuyển các tên miền này thành thương hiệu với tiềm năng nhận được thứ hạng cao và traffic tốt. Elliot ví dụ về tên miền dạng này: DogWalker.com là tên miền được mua không phải vì traffic mà vì nó rất dễ nhớ và có khả năng chuyển thành thương hiệu. Hiện tên miền này mỗi tháng nhận được khoảng 10k visit, trong đó có từ 20-25% là đến trực tiếp. Không nên mua một thương hiệu chỉ vì nó là một mới hỗn độn các cụm từ khóa bạn mong muốn như: Best-Car-Insurance-Quotes.info, QuotesInsuranceCar.com - những domain không bao giờ chuyển thành thương hiệu được.
Trong 8 lý do nêu trên, lý do tương đối phổ biến là mong muốn có được một thứ hạng cao trong kết quả tìm kiếm từ Google, để từ đó có traffic và có khách hàng.

Trong tháng 9/2012, từ khóa di dong với 4.400 lượt tìm kiếm, dien may có khoảng 33 nghìn lượt tìm kiếm.

Tên-miền-từ-khóa sẽ mang lại traffic mơ ước?!!
Chỉ với một từ khóa thôi đã mang lại số lượng visit này đã là tuyệt vời rồi. Đây chính là một trong những lý do DienMay.com đã định giá tên miền dienmay.com ở con số 10 tí.

Anh Đoàn Minh Sở - CFO at Tấn Minh Textile Sewing
Ở góc độ là chuyên gia về đầu tư và tài chính, anh Đoàn Minh Sở - Giám đốc tài chính Cty Dệt May Tấn Minh và cũng đang đầu tư vào ngành online lại khá thận trọng : "dân tài chính thuần sẽ rất cân nhắc khi đầu tư nó [tên miền] vì chi phí bỏ ra lớn nhưng thu lợi thì bấp bênh, gọi là không có cơ sở chắc chắn. Dân kinh doanh cần tính toán trước được lợi nhuận, còn đầu tư cái này lợi nhuận vô chừng vì đây là một dạng đầu cơ nên khả năng dự đoán thấp"

Khi tảng băng tan
Dấu hiệu tan băng đã có từ 2 năm trước, khi Cutt đề cập trong một video liên quan



Với cập nhật mới nhất, Google đã nghiên cứu và đăng ký bằng sáng chế liên quan đến thuật toán này này từ tháng 11/2011 với mô tả được dịch thoát ý như sau : "..một công ty có thể cố gắng để "lừa" máy tìm kiếm để website của công ty được xếp hạng cao hơn. Ví dụ, nếu máy tìm kiếm đánh trọng số cao hơn trong việc xếp hạng với từ khóa xuất hiện trong tên miền của mình, công ty sẽ cố gắng lừa máy tìm kiếm để được xếp hạng cao bằng cách kèm các từ khóa này trong tên miền của công ty". Bằng sáng chế này được nộp cách đây 8 năm (2003) với tên nhà phát minh là Amit Singhal, Matt Cutts và Jun Wu.

Khi tên miền không còn là át chủ bài của SEO!
Khi tên miền không còn là át chủ bài của SEO!
Nếu đó không còn là một lợi thế, hoặc sẽ không còn mang lại giá trị cho SEO, đây sẽ là một gáo nước lạnh với những công ty đầu tư tên miền để bán lại cho những ai quan tâm tới SEO hoặc tạo ra các website tận dụng được traffic miễn phí từ nhu cầu tìm kiếm liên quan. Khi tên miền không mang lại giá trị SEO, mỏ vàng hái ra tiền ngày trước có nguy cơ trở thành một vụ đầu tư không lại lợi nhuận.

Anh Tuấn Hà, CEO công ty VinaLink cho biết: "domain key bị giảm là tất yếu, công ty VinaLink đã lường trước việc này từ 2 năm trước, ngày càng đầu tư nhiều hơn vào thương hiệu công ty. Doanh thu chủ yếu của công ty hiện nay đến từ thương hiệu công ty và thương hiệu cá nhân chứ không đến từ các site domain key".

Tên-miền-từ-khóa hay tên-miền-thương-hiệu?
Bạn hãy đoán xem người dùng sẽ tìm "di động" hay "thế giới di động" nhiều hơn? "Nguyễn kim" vs "điện máy", từ nào sẽ thắng?

Branded vs generic keywords!
Các từ khóa "the gioi di dong", "vien thong a" là các từ khóa thương hiệu (branded), xuất phát từ nhu cầu tìm kiếm của người dùng. Để có nhiều người tìm kiếm sẽ phụ thuộc vào độ mạnh của thương hiệu hoặc sự kiện liên quan. Ví dụ, trong trường hợp này "vien thong a" không được tìm kiếm nhiều trong tháng 9/2012 nhưng nếu họ làm các chương trình marketing, lượng tìm kiếm có thể tăng đột biến.

Khi nào thì người dùng internet tìm kiếm thương hiệu của bạn? Hãy xây dựng thương hiệu và sản phẩm của bạn thật tốt. Sẽ không có ai tìm tên bạn khi họ không biết bạn (awareness). Họ biết bạn rồi, chưa chắc họ đã tìm tên bạn nếu tên bạn không bật ra trong tâm trí họ đầu tiên ("top of mind" ) thay vị sau cùng. Bạn nên thường xuyên đo lường sức mạnh thương hiệu và cải thiện nó.

Thương hiệu ảnh hưởng đến lượng tìm kiếm ở mọi ngành, điện máy cũng không ngoại lệ. Bạn chỉ cần nhìn vào đây, bạn có thể thấy được mức độ quan tâm của người dùng với từng thương hiệu. Nguyễn Kim là vua, sau đó là Thiên Hòa, Chợ Lớn. DienMay.com còn ở phía xa.

Tên-miền-từ-khóa hay tên-miền-thương-hiệu
Khi tên miền từ khóa trở thành "thương hiệu"
Bạn ở thứ hạng cao nhưng để người dùng chọn bạn trong danh sách kết quả, còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác. Dịch vụ bạn đang cung cấp có đúng phân khúc dịch vụ họ mong muốn, thương hiệu của bạn mạnh hay yếu, có khuyến mãi hay không, có lịch sử làm việc tốt hay không..

Thế Giới Di Động (TGDD) đã biến một tên chung chung thành một thương hiệu bán lẻ di động mạnh nhất Việt Nam. TGDD đã đầu tư thuê chuyên gia SEO, sửa đổi website, đầu tư nội dung.. mới có thứ hạng tốt như hiện tại.  Vì thế, traffic hiện tại của TGDD nằm ở sức mạnh thương hiệu chứ không chỉ ăn may tên miền thegioididong.com. Chính thương hiệu này là dấu hiệu bảo đảm, là lời hứa về trải nghiệm tốt mà công ty mang lại cho người dùng trên môi trường online. Để có được điều này, sẽ là không thể và không bao giờ là miễn phí. Chỉ có chăng là mất .. rất nhiều phí.

Anh Tuấn Hà - CEO at VinaLink
Mặc dù về khía cạnh SEO, các tên miền từ khóa có mất đi sức mạnh nhưng về khía cạnh thương hiệu, Anh Tuấn Hà - CEO at VinaLink - cho rằng "vẫn không làm giảm giá trị của nó [domain key]. Độ TRUST của nó vẫn cao gấp 10 lần các doamin thông thường." 

Anh cũng nêu một ví dụ: "hai công ty khởi nghiệp, thương hiệu đều mới bắt đầu từ xuất phát điểm thì domain key sẽ giúp mình làm thương hiệu nhanh và hiệu quả hơn. Nếu Lazada phải chi tới 6 tỷ/ tháng thì với tên miền www.dienthoai.com có thể chỉ mất 1 tỉ/tháng". 

Anh Tuấn Hà nhận định: "Domain key bị yếu là do không ai chịu làm Brand cho nó nên các cty khác mới không xem trọng tên-miền-từ-khóa. Ai cũng bảo Facebook, Google thành công đâu phải là Social.com hay Search.com nhưng nếu Mark phát triển Social.com thì vẫn thành công. Tuy nhiên, dù đó là lợi thế mình vẫn phải đầu tư, không thể bám vào tên miền đó được."

Ông La Quốc Khánh - CEO at Giải Pháp Liên Kết
La Quốc Khánh, CEO của công ty Giải Pháp Liên Kết cũng nhận xét :"Tên miền nào cũng có thể lên Top Google được nếu nó thỏa mãn các tiêu chí xếp hạng của Google. Tên miền theo từ khóa có thể có lợi thế chút đỉnh về SEO nhưng về thương hiệu thì tên miền khác từ khóa lại có lợi thế hơn."

Khánh nhận định: "Làm seo cũng là một dạng marketing. Marketing thì phải sáng tạo, phải làm nổi bật được cái riêng biệt của mình. Đó là lý do tại sao không cần đứng top từ khóa hot, nhiều doanh nghiệp vẫn tồn tại và phát triển. Có khi những doanh nghiệp này [không đứng Top về SEO] lại phát triển hơn rất nhiều doanh nghiệp đang đứng top. SEO tốt nhưng không phải là tất cả, người nào chỉ tập trung vào SEO sẽ sớm thấy hậu quả của nó"

"SeoMoz.org là một tên miền đẹp vì vừa độc đáo, vừa có keywords trong tên miền. Tuy nhiên khi họ [seoMoz] đã có thương hiệu cũng như để tiện mở rộng từ ngành SEO sang Inbound Marketing, họ đã hy sinh phần keywords trong tên miền, giữ lại phần thương hiệu độc đáo là MOZ" - Khánh ví dụ.

Ngoài TGDD, chúng ta còn có Tìm Việc Nhanh - timviecnhanh.com, Nhà Đất Online - nhadatonline.vn, Mua Bán Nhà Đất - muabannhadat.vn,  Báo Mua Bán - muaban.net và mới đây có thêm Marry - marry.vn. 

Thế giới có thể chọn một số ví dụ:  Hotels.com, Ski.com, Golf.com, Cars.com, Insurance.com. Những trường hợp này đã vượt ra khỏi giới hạn tên miền từ khóa để chuyển thành thương hiệu với nhiều hoạt động marketing khác nhau. Bạn hoàn toàn có thể lặp lại điều này với một chiến lược phù marketing phù hợp.

Một điểm lưu ý : Đối thủ có thể copy tất cả những gì công ty bạn làm, chỉ trừ cái tên. Các tên gọi chung chung như "Phở 24", Bia Saigon,"Điện Máy" sẽ rất khó đăng ký độc quyền, ngăn cản công ty khác copy tên của mình. Ví dụ Phở 24 không thể cấm tất cả các công ty đặt tên này cho công ty, sản phẩm khác ngành như bia hơi, xe đạp điện...

Kết luận: 
Cutts có cho biết thuật toán "new exact-match domain (EMD)"  chỉ ảnh hưởng đến 0.6% các từ khóa Tiếng Anh (English-US). Điều này có nghĩa là các kết quả tiếng Việt hiện tại chưa bị ảnh hưởng nhưng sẽ là dấu hiệu cảnh báo cho những website có nội dung tệ, chỉ trông chờ vào tên miền của mình.

Sức mạnh của một tên miền từ khóa là có giới hạn, sức mạnh lớn hơn là thương hiệu đằng sau tên miền từ khóa. Nếu thương hiệu là yếu tố sống còn của một công ty cần phải bảo vệ bằng mọi giá, tên miền chính là sự phản chiếu của yếu tố này trên môi trường online. Chọn lựa và theo đuổi việc xây dựng thương hiệu cho dù đó là tên miền từ khóa hay tên thương hiệu riêng là con đường giúp bạn đi xa hơn, bền vững hơn. Đừng kỳ vọng vào traffic miễn phí mà hãy xem nó như một lợi thế để bạn chạy đua đường dài.